Nha Trang

Nha Trang

NhaTrang, Sài Gòn đón nhận nhiều du khách nhất, cũng như người ngoại quốc tới làm ăn, Úc, Mỹ, Đức, Pháp đủ cả.

 

Phong cảnh của Nhatrang hiền hoà, biển xanh, cát trắng, giá cả thấp hơn nhiều nơi, người Nha Trang thân thiện đã quen với du khách từ thập niên 60, 70, thế nên thành phố miền biển đón nhận du khách mọi lứa tuổi, từ tuổi trẻ Tây Ba Lô, hay gia đình (Tây, VK, VN, Sài Gòn, Hà Nội) đem con ra biển thoát khỏi cái nóng của Sài Gòn và Hà Nội. Còn người già về hưu thíc đi trái mùa, tránh đám đông, và được giá cả nới hơn.

Con đường Duy Tân ngày nào, bây giờ được mở dài ra, ngày xưa lên phi trường xa xôi, hai bên không có nhà, chỉ có bờ cát dài với cây dương, thỉnh thoảng mới có 1 tiệm ăn trên đường. Bây giờ thì hai bên đường khách sạn và tiệm ăn mọc ra như nấm. Có đoạn thương mãi hoá, khu trò chơi trông rất giống biển Mỹ mùa hè, như tỉnh Myrtle Beach. Ngày xưa người ta đi bộ dạo mát, thời thượng tuổi trẻ dạo mát bằng xe. Buối tôi đường biển nhộn nhịp, xe gắn máy chạy tà tà lên xuống... Từ Duy Tân qua cái cầu mới mở, chạy thẳng tới Tháp Bà, hai bên đường nhà cửa mọc san sát. Nhà mặt tiền nào cũng có gì để buôn bán. Bên này tiệm nhậu đồ biển lớn, ngó qua bên kia đường, tiệm không tên bán bún bò, có hôm 10 giờ sáng đã hết bún, vì tiệm nổi tiếng là ngon nhất Nha Trang. Ngọn Tháp bớt uy nghiêm và huyền bí vì người sống lấn dần đất của Bà.

Tại các chốn du lịch, phi trường khách sạn, đều có các bảng giới thiệu nhưng nơi chốn du khách nên viếng. Đi thăm các đảo, đi lặn, thăm dinh thự vua Bảo Đại, và đặc biệt đi tắm bùn, và suối khoáng nước nóng nằm ở Tháp Bà. Theo lời giới thiệu nồng nhiệt của hầu hết mọi người, nước nóng còn là thuốc nữa, nên gia đình nào rồi cũng nô nức đi tắm thuốc. Kiến trúc, cảnh trí trang hoàng đẹp mắt, nhưng số lượng du khách đông quá tải, cho nên nếu khách du thật sự cần thư giãn, chắc có lẽ nên đi trái mùa du lịch! Nước bùn hơi ... bị loãng, không đúng tiêu chuẩn quốc tế cho lắm. Phục vụ viên đứng xối nước để rửa lối đi, cho nên bùn, nước làm cho lối đi rất trơn trượt! Các ông bà chân yếu, đầu gối khg chắc, nên ghi nhớ!

Thành phần du khách trẻ, Tây Ba Lô, thích tham quan NhaTrang lắm. Có khi họ ở lại dăm, ba ngày hơn dự định. Sau nhiều năm dùi mài kinh sử, họ bỏ vài năm ra đi du lịch khắp nơi trên thế giới, trước khi về nước ôm một cái việc nhất định, cũng có thể họ là sinh viên đi nghỉ hè, và họ thích tới các xứ lạ, còn mang tính chất hoang dã (exotic). Trải bản đồ thế giới ra, hai, ba cô, cậu bàn nhau những chặng đường dự định viếng thăm. Họ thường ở khách sạn bình dân, giá cả phải chăng, nhưng phải là khách sạn gần biển, đủ tiêu chuẩn vệ sinh, những nơi đã được bạn bè hay trên web giới thiệu, vì thế các chủ hotel luôn giữ lòng tin cẩn để được khách. Cầm mảnh giới thiệu trên tay, các Tây Balô đi xe đò từ Hội An, dừng chân ngay khách sạn Kim Thoa, và hỏi phòng. Khách sạn Kim Thoa nhỏ bé, chỉ có 7 phòng, chủ khách sạn thân thiện, nói được tiếng Anh, và lo cho các “thằng” Tây Ba lô một cách chu đáo như lo cho con cháu. Quá khuya thấy chúng nó chưa về, ông chủ lấy xe đi lùng các quán rượu và rước về, vì sợ chúng nó gặp phải phường không đẹp khi đêm tối. Sáng ra, các Tây, Đầm ngồi uống cà phê, nếu bà chủ mời mì gói họ cũng ăn, xong đi cả ngày, có đôi lúc về giữa ngày, nhập gia tuỳ tục, bước vào khách sạn, cởi giày, ngồi xuống nghỉ ngơi, trò chuyện cỡ 1 tiếng, lên phòng tắm, lấy đồ đạc rồi lại ra đi. Trông các người trẻ này giống nhau lắm, từ ăn bận, cách cư xử, cởi mở, thân thiện, nếu họ khg mở miệng thì khó biết họ từ đâu tới .

Sáng đi tắm biển, đi lặn, đi đảo, tối xuống bar làm quen nhau, tán láo, yêu đương qua ngày ... Anh chàng từ Úc, bố Úc, mẹ người Hoa, đẹp trai như tài tử Keanu Reeves, có vẻ mặt lãng mạn. Cô nàng tướng gầy như người Mẫu, nhưng có dáng thể thao, da sặm đen, từ tiểu bang California đến, gặp anh Úc này, thế là thành một cặp tình nhân nhất thời. Thêm một anh chàng nhìn như lai, nhưng hoá ra là người Mỹ gốc Việt, nói lơ lớ tiếng Việt, quần short, áo thun, nhưng đội nón lá. Cả ba gặp nhau ở 1 night club, thành thân thiết, đi đâu cũng có nhau, tưởng như là đã cùng nhau hẹn để đi du lịch chung, nhưng chỉ trong vài tuần là họ sẽ giã từ, mỗi người trở về cuộc sống riêng biệt, hoặc đi theo lộ trình đã định sẵn. Nhưng biết đâu họ sẽ giữ mãi tình bạn vì với thời điện tử toàn cầu hoá này thế giới bỗng dưng như gần nhau....

Nhatrang và tôi: Khi đến Nhatrang thì tôi thấm mấy câu trong bài hát của Nguyễn Đình Toàn:

Ta mất người như người đã mất tên

mất từng con phố đổi tên đường

khi hẹn nhau ta lạc lối tìm

Không riêng gì Nha Trang nhiều con đường của miền Nam đã bị đổi tên. Trước người ta còn bỏ công ra giải thích tại sao tên đó bị đổi, như trường hợp cụ Phan Thanh Giản, nhưng sau đó các đường lẳng lặng có tên mới, những tên xa lạ, kỳ công được thổi phồng lên. Thành ra, người về - là tôi, cảm thấy lạc lõng, cảnh vật thay đổi, người xưa không còn, các con đường mang tên khác, và các trường bị xoá tên để thế hệ sau không còn có gì để nhớ, để thương, nhưng người về vẫn nhớ thương vô vàng, trong ngậm ngùi, ngỡ ngàng. Trường trung Học Võ Tánh, nay đã mang tên là trường Chu Văn An. Không phải vì là công thần nhà Nguyễn, nhưng Võ Tánh là một hình ảnh bất khuất vì thế ông đã được đặt tên cho trường công Nam lớn nhất tại Nha Trang. Ngày xưa, tôi rất ngại đi ngang qua trường Võ Tánh, vì tôi học trường đầm nên hay bận váy, rất dễ bị trêu chọc, thành ra phải rủ 1 đám bạn đi cùng, không thôi phải đi vòng rất mất công. Nhưng Võ Tánh và các ngôi trường ở Nha Trang là những hình ảnh thân yêu nhất của chúng tôi. Tất cả các trường đều toạ lạc gần khu biển, kiến trúc thời Pháp, cổng, tường cao, uy nghiêm, sân trường rộng rãi mát mẻ vở’i những cây đã già đi qua nhiều thế hệ trẻ. Hai trường La San Bá Ninh và trường Pháp gần biển nhất, rồi đến trường Võ Tánh, trường Nữ Trung Học Huyền Trân, trường Thánh Tâm, trường Nam, nữ tiểu học, tất cả học sinh của Nha Trang đều được nghe gió biển rì rào, trên những con đường rợp bóng cây. Sau khi học trò vào lớp, các cô bán chè ngồi tán dóc, các chú xích lô cũng tản mác đi nơi khác, chỉ còn tiếng phấn, tiếng chân thày, cô trên bục gỗ, và khung cảnh chỉ náo nhiệt vào giờ ra chơi, hay vào giờ học sinh vào lớp, và ra về .

Bây giờ thì con đường nào cũng rộn rào xe cộ, các trường được vây bởi các phố làm ăn. Hết rồi những con đường im áng, trưa hè với tiếng ve ca, thỉnh thoảng mới có đám học trò đi hái trộm ổi, hoặc đi bộ ra biển. Xã hội đang chuyển mình vào kinh tế thị trường, và con người sống dưới thời xã hội, thấy mình như thiếu sót vài chục năm, vội vàng chạy theo cho kịp với thế giới bên ngoài. Sự vội vàng này thể hiệu qua nhiều đường lối, làm choáng ngợp những người về như tôi .

Người xưa đứng ngập ngừng

Nghe gió chiều lạnh lùng

Từ Duy Tân biển mặn

Mà nhớ ai muôn trùng...

Bạn bè, anh chị em, những người đã cùng tôi tắm biển, mẹ tôi, hình ảnh bà trên con đường bé nhỏ tất tả đi gọi bác sĩ tới vì một đứa con bị bệnh, ông xích lô chở lũ nhóc chúng tôi đến trường học, sáng trưa, chiều ... Không còn nữa, phố xá hàng quán đã thay những căn nhà có giàn hoa sứ, hoa giấy, những căn nhà trắng chỉ còn nhớ đến qua tên thành phố. Ngã sáu Nha Trang, nhà thờ núi, gốc Bá Đa Lộc, một khu trước kia thật vắng, chỉ rộn rịp vào đêm Noel, khi mọi người túa đến đi lễ khuya, giờ đây là con phố buôn bán có giá nhất. Căn nhà gia đình tôi thành 4 căn lầu, tất cả đều có cửa hàng buôn bán mặt tiền, nhìn qua bên kia không còn trường Thánh tâm và tu viện các bà sơ nữa, biến mất hết. Nếu không có Nhà Thờ núi thì tôi không thể nào định nổi vị trí nhà cũ của mình. Villa họ Bùi, hai bác chiều chiều ra chăm sóc cây cỏ, căn vườn xinh xinh nhỏ nhắn, nhưng được nhiều người trầm trồ, ngắm nghía ... Villa họ Võ Đình, chủ nhân của rạp hát lớn ở Nha Trang, villa lớn nhất của đường biển, đang được rào lại, nay mai một khách sạn tân tiến sẽ xuất hiện. Bạn tôi, từ Pháp đã về trễ mất 1 năm, không còn thấy được căn nhà cũ của mình nữa. Tôi cũng về trễ, đứng nơi gốc phố Phan Bội Châu cố tìm lại dấu vết lò bánh mì Hoà Bình, nhưng chỉ thấy những căn lầu, và xe cộ qua lại. Tôi hiểu cảm giác của Từ Thức chỉ mấy tháng sau về lại dương thế, nhưng thật ra trăm năm qua rồi.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TOUR ĐI QUA